Tầm quan trọng của kế hoạch niềng răng cho con

Nâng cao hiểu biết về phương pháp niềng răng cho trẻ em hiện nay

Niềng răng (hay nẹp răng) là một trong những phương pháp giúp cải thiện kết cấu răng lệch lạc. Phương pháp này đang ngày một trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn chưa nắm rõ về các vấn đề xung quanh phương pháp mang nhiều tính thẩm mỹ này.

Niếng răng sẽ giúp con người khắc phục hiện tượng răng hô, móm, vẩu và lệch lạc theo tuỳ từng trường hợp. Ở mỗi độ tuổi nhất định, việc niềng răng sẽ có những tác động và hiệu quả khác nhau. Đồng thời, cách thực hiện phương pháp và cách chăm sóc sau khi niềng răng cũng không hề đơn giản.

 

Các phương pháp niềng răng

Hiện nay, niềng răng có 2 phương pháp chính là sử dụng hàm chỉnh tháo lắp hoặc hàm chỉnh cố định. Đối với phương pháp sử dụng hàm chỉnh tháo lắp, chi phí thực hiện sẽ ít tốn kém hơn nhưng đòi hỏi người dùng cần chú ý điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi của kết cấu răng. Phương pháp sử dụng hàm chỉnh cố định sẽ cần nhiều tác vụ y tế cũng như thời gian để cân chỉnh hàm đem lại hiệu quả cao nhất. Phương pháp này hiệu quả hơn nhưng cũng cần nhiều thời gian hơn.

Mặc dù vậy, đối với các trường hợp kết cấu răng bị sai hình năng, phương pháp này thường không đem lại hiệu quả cao vì nguyên nhân chính là do kết cấu xương. Những trường hợp như vậy cần bác sĩ phải kết hợp thêm phẫu thuật chỉnh hàm.

Với trường hợp có răng hô, móm có thể do ba nguyên nhân là hô do răng, hô do hàm hay hô vừa do răng vừa do hàm. Với trường hợp hô, móm do hàm thì niềng răng không hiệu quả mà phải tiến hành phẫu thuật cắt hàm. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị phì đại xương hàm (hô, móm, vẩu) không khép được miệng, ăn uống khó khăn, ảnh hưởng tâm lý sau khi phẫu thuật đã cải thiện rõ rệt cả về thẩm mỹ lẫn chức năng.

 

Độ tuổi niềng răng thích hợp

Theo các chuyên gia về nha khoa thế giới, độ tuổi phù hợp nhất để áp dụng phương pháp niềng răng khắc phục tình trạng răng hô, móm, lệch lạc là tuổi từ 10 đến 20. Đây là độ tuổi có kết cấu xương hàm đang trong giai đoạn phát triển chưa cố định nên thời gian thực hiện sẽ ngắn hơn và dễ dàng hơn những người lớn tuổi hơn. Những người từ 20 đến 30 tuổi vẫn có thể áp dụng niềng răng nhưng quy trình sẽ khó khăn hơn khi kết cấu đã dần cố định và số lượng răng đã mọc tương đối đầy đủ. Đây là lý do vì sao các bác sĩ luôn khuyến cao gia đình đưa con cái đi khám nha khoa sớm để có thể phát hiện sớm các biểu hiện của việc lệch kết cấu hàm. Từ đó có thể đưa ra các phương án khắc phục phù hợp và hạn chế chi phí.

 

Cách chăm sóc răng miệng sau khi niềng răng

Sau khi niềng răng, để đạt hiệu quả cao nhất, việc vệ sỉnh răng miệng đúng cách cũng cần được đảm bảo khắt khe hơn bình thường. Cảm giác khó chịu và ê răng là điều khó tránh khỏi trong tuần đầu sau khi niềng răng. Nguyên nhân là do các khí cụ nha khoa trong miệng khiến bệnh nhân lạ lẫm và gò bó. Hãy kiên nhẫn thêm một thời gian và cảm giác này sẽ biến mất. Thay vào đó là các chuyển biến rõ rệt về chức năng nhai được cải thiện cũng như kết cấu răng sẽ dần dần đẹp hơn rất nhiều.

Lưu ý sử dụng bàn chải, thuốc đánh răng và nước súc miệng phù hợp theo chỉ định của nha sĩ

Thông thường, sau khoảng 1-2 năm khi kết cấu răng được đưa vào vị trí hợp lý, người bệnh cần đeo khí cụ nha khoa thêm một thời gian ngắn nữa để chắc chắn răng đã được cố định. Các nha sĩ sẽ luôn khuyến cáo bạn sử dụng loại bàn chải chuyên dụng nên bạn hoàn toàn có thể nghe theo họ. Duy trì đánh răng sau mỗi bữa ăn, trước và sau khi đi ngủ. Thực hiện đánh răng nhẹ nhàng để tránh làm thay đổi kết cấu khung niềng răng và làm giảm hiệu quả của phương pháp.

Bạn cũng cần lưu ý không để thức ăn mắc vào niềng răng, tránh các thức ăn quá cứng. Trong thời gian niềng răng, các cơn đau nhức là khó tránh khỏi. Để giảm đau, hay ưu tiên sử dụng các loại nước muối ấm hoặc nước súc miệng chuyên dụng. Nếu không thấy đỡ hơn, bạn hãy liên hệ ngay nha sĩ của mình để nhận những chỉ định về thuốc giảm đau phù hợp nhất.

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống (suckhoedoisong.vn)