Thời gian biểu bảo vệ sức khỏe theo nhu cầu của cơ thể

Xây dựng một thời khóa biểu khoa học, theo nhu cầu của cơ thể để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Một thống kê mới của Trung Quốc cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ bị mất ngủ, đặc biệt, những vấn đề này ở người trẻ còn nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi. 84% thế hệ 9X cho biết bản thân có vấn đề về giấc ngủ. Một báo cáo khác mang tên Chỉ số giấc ngủ công bố năm 2018 chỉ ra rằng 3/4 9X ngủ sau 11 giờ đêm, 1/3 đi ngủ lúc 1 giờ sáng. Thế hệ 9X đang là nguồn nhân lực chủ chốt trong các lĩnh vực, nhưng nhiều người trong họ lại đang là những người chủ quan nhất về sức khỏe với những thói quen xấu như nhịn ăn sáng, ngồi nhiều cả ngày, ngủ muộn hay ngủ rất ít…

Nhiều người dường như đang không nhận định được rằng mỗi khung giờ đều có ý nghĩa sinh học riêng tương ứng cho cơ thể và những hành động bất thường nhằm thay đổi đồng hồ sinh học đều khiến cơ thể suy yếu và xuất hiện những tình trạng bệnh lý. Dưới đây là những điều cơ bản bạn cần biết về các khung giờ sinh học của cơ thể:

  • 9h-11h tối là thời gian để hệ thống miễn dịch thải độc. Thời gian này cần được yên tĩnh hoặc nghe nhạc, thư giãn
  • 11h tối – 1h sáng là thời gian giải độc gan, cơ thể cần được ngủ.
  • 1h-3h sáng là thời gian giải độc túi mật, yêu cầu được tiến hành trong khi ngủ.
  • 3h-5h sáng là thời gian để giải độc phổi.
  • 5h-7h sáng là thời gian giải độc đại tràng. Không có gì ngạc nhiên khi người ta thường muốn vào nhà vệ sinh vào thời gian này.
  • 7h-9h sáng là giai đoạn thời gian ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng, vì vậy nên ăn bữa sáng. Lúc này bạn cũng sẽ không phải quá lo lắng về việc ăn gì để không tăng quá nhiều cân. Nhưng ngay cả khi 10h bạn mới ăn sáng vẫn còn tốt hơn là không ăn gì và không cung cấp cho cơ thể năng lượng sau cả một đêm dài.
  • Từ 12h đêm cho đến 4h sáng là giờ tủy sống sản xuất máu, nhất định nên ngủ say giấc, không nên ngủ muộn.

 hiểu về giờ sinh học của cơ thể để bảo vệ sức khỏe

Bạn có thể thấy, việc thức khuya, ngủ muộn sẽ ảnh hưởng đến cơ chế sinh hoạt tự nhiên của cơ thể, thay đổi nhịp sinh học, dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng đến chức năng của một số cơ quan trong cơ thể. Dù bạn có cố gắng ngủ bù nhiều hơn vào ngày hôm sau bao nhiêu thì khả năng tái tạo lại sức khỏe của bạn cũng không thể về được trạng thái ban đầu.

Những tác hại của việc ngủ muộn, ngủ ít bao gồm: da xỉn màu, lão hóa sớm, suy giảm trí nhớ, tăng cân…, nguy hiểm hơn là những vấn đề sẽ liên quan đến nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ não.

Nếu bạn chưa quen với việc ngủ sớm, bạn có thể thử kỹ thuật hít thở 4-7-8 tức là hít vào 4 giây, nín thở 7 giây và thở ra bằng miệng trong vòng 8 giây. Lặp lại chu trình vài lần cho đến khi cơn buồn ngủ kéo tới. Hoạt động này sẽ khiến giảm nhịp tim, giải phóng một số chất hóa học trong não khiến trí óc bạn trở nên thư thái. Người tiên phong trong nghiên cứu phương pháp này là TS Andrew Weil, cựu sinh viên Harvard. Với kỹ thuật hít thở này, lượng oxy được cung cấp đầy đủ và đều đặn, gia tăng tuần hoàn trong cơ thể, giúp cơ thể thả lỏng và thư thái, từ đó tự nhiên kháng lại tác dụng của adrenaline và nhịp tim của bạn sẽ tự động giảm xuống, tác dụng tương tự như khi bạn thiền và thực hành yoga.

Hãy lên cho mình một kế hoạch sinh hoạt bảo vệ sức khỏe để phòng ngừa bệnh tật và có được cuộc sống hạnh phúc.

Theo cafebiz