Phòng ngừa rủi ro sức khỏe từ căng thẳng về tài chính

Căng thẳng lâu dài về tài chính sẽ ảnh hưởng lên sức khỏe của bạn, hãy học cách kiểm soát và quản lý để phòng tránh những rủi ro sức khỏe này.

Bạn đang nhìn các khoản nợ tín dụng, nợ vay thế chấp và những hóa đơn chưa thanh toán như một phần tách biệt không thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình? Nhưng theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 62% người dân Mỹ đang bị căng thẳng với những vấn đề về tiền bạc và sự căng thẳng này đang tăng nguy cơ tình trạng sức khỏe của họ giảm sút nghiêm trọng.

Tài chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?

Các nhà nghiên cứu đã thiết lập được nhiều mỗi liên kết giữa sức khỏe và những lo lắng về tài chính. Căng thẳng về tài chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra những bệnh về tim mạch, mất ngủ, đau nửa đầu.. Tạp chí Khoa học Xã hội và Y tế (Social Science & Medicine) của Mỹ đã công bố căng thẳng tài chính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, là một trong những yếu tố gây ra trầm cảm và các rối loạn tâm trạng.

Một nghiên cứu tháng 4 năm 2016 về ảnh hưởng của sự không cân bằng về tài chính lên cơ thể đã chỉ ra rằng những người có tài chính không ổn định ghi nhận cảm giác đau ở mức độ cao hơn.

Đây là sự chuyển biến tự cảm giác đau vật lý thành cảm giác thiếu an toàn kinh tế. Do đó kinh tế không ổn định có thể góp phân gây ra những căn bệnh về mặt vật lý.

Những nhà khoa học ở Phần Lan cũng đã nhận thấy những người thường bị căng thẳng trong công việc và về tài chính có nguy cơ mắc phải hội chứng chuyển hóa cao hơn, các hội chứng này làm tăng nguy cơ những căn bệnh như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ não. Càng gặp phải nhiều lo lắng về tài chính thì nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch này càng cao.

“Căng thẳng về tài chính là một trong những căng thẳng khó xử lý nhất, và mọi người thường áp dụng những cơ chế đối phó, phản ứng không lành mạnh khi phải đối mặt với điều này.” Giáo sư Molitor, giáo sư về tâm lý học và khoa học hành vi tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Chicago, Hoa Kỳ chia sẻ.

Theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, 33% người dân Mỹ nói rằng họ thường ăn nhiều hoặc ăn những đồ ăn kém lành mạnh để đối phó với sự căng thẳng và 45% chia sẻ họ thường thức trắng đêm ít nhất một lần mỗi tháng do căng thẳng về tài chính.

Căng thẳng về thu nhập có thể chiếm hữu tâm trí của bạn?

Căng thẳng tài chính không những ảnh hưởng đến khả năng làm việc hiệu quả và phòng tránh những thói quen xấu, mà còn ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ thấu đáo.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Science năm 2013, các chuyên gia đã kiểm tra khả năng tư duy, đo lường mức độ kiểm soát nhận thức của các đối tượng tham gia nghiên cứu.

Nghiên cứu cho thấy những lo lắng về tài chính hàng ngày yêu cầu não và nhận thức phải hoạt động nhiều hơn, giảm bớt khả năng tư duy cho những việc khác. Nghiên cứu cũng cho thấy dấu hiệu này không liên quan tới thu nhập của một người thấp hay cao, mà liên quan đến nhận thức của người đó về tình trạng tài chính của mình.

Cải thiện tình hình tài chính là cải thiện sức khỏe

Những nghiên cứu trên cho thấy tình trạng sức khỏe thế chất và tinh thần có thể trở nên tốt hơn nếu tình trạng tài chính được cải thiện.

Hầu hết chúng ta sẽ trải qua giai đoạn căng thẳng về tài chính và điều tồi tệ nhất là không làm gì để giải quyết các vấn đề này. Vậy nên đừng hoảng sợ hay đối phó bằng những cách không lành mạnh. Hãy hít một hơi, đặt bút và lên kế hoạch cụ thể để cải thiện tình trạng tài chinh của bản thân.

Lập kế hoạch tài chính cũng là một cách để bảo vệ sức khỏe

Tiến sĩ Molitor đã khuyên mọi người tham khảo những bước sau:

  1. Đánh giá tình trạng tài chính hiện tại: Những khoản chi tiêu nào đã đưa bạn đến tình trạng tài chính không cân bằng? Thông thường một số thói quen chi tiêu của bạn sẽ đưa bạn đến tình trạng hiện tại. Nhận ra những thói quen đó không phải để cảm thấy tội lỗi mà là để thay đổi và cải thiện cho tương lai.
  2. Xác định xem tiền có nghĩa gì với bạn: Hãy chia sẻ với người thân hoặc suy nghĩ để tìm hiểu xem khi bạn tiêu tiền, bạn đang hướng đến sự thoải mái, thể hiện quyền lực, khẳng định bản thân hay điều gì đó khác? Việc này có thể giúp bạn nhận ra tiền bạc không thể đảm bảo hạnh phúc lâu dài, sự ổn định sẽ giúp bạn vững bước hơn.
  3. Tìm kiếm sự giúp đỡ: Hãy tìm một người bạn đáng tin cậy hoặc những chuyên gia tư vấn tài chính để nhận được những lời khuyên về quản lý tài chính phù hợp với bản thân. Hãy hỏi họ về những sản phẩm tài chính trên thị trường như thẻ tín dụng, các gói vay, tiết kiệm ngân hàng, bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ… để hiểu rõ hơn về những công cụ quản lý tài chính mình có thể sử dụng.
  4. Đặt ngân sách và duy trì ngân sách: ngân sách có thể là một từ khiến bạn lo sợ, nhưng hãy nghĩ về nó như một kế hoạch giúp bạn thực hiện mục tiêu. Hãy đề ra cho mình những mức chi tiêu thực tế. Bạn sẽ mất một khoảng thời gian để ‘phục hồi’ từ tình trạng tài chính khó khăn, nhưng nên bạn kiên nhẫn duy trì bạn sẽ đạt được mục tiêu mình muốn.

 

Đừng để những căng thẳng về tài chính ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, hãy bắt đầu lên kế hoạch quản lý tài chính để hướng tới tương lai khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

Theo Everyday Health