6 tuyệt chiêu quản lý tài chính gia đình hiệu quả

Quản lí tài chính luôn là một “công việc bán thời gian” của mọi bậc cha, me. Nếu không có cách chi tiêu và tiết kiệm hợp lý thì nó sẽ trở thành một vấn đề điên đầu. Và ngược lại, một kế hoạch quản lý tài chính gia đình tốt sẽ giúp tất cả mọi người thoải mái tận hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Có một câu nói rằng: “Thuyền lớn lại đắm vì những lỗ thủng nhỏ.” Nếu coi con thuyền ấy là ngân sách tài chính của gia đình thì “những lỗ thủng nhỏ” là những chí phí phát sinh và các khoản phải chi trả trong cuộc sống hàng ngày. Đôi khi, chúng ta hay bị ‘dồn’ các hóa đơn hay tín dụng vào một thời điểm thanh toán như cuối năm và cảm thấy áp lực về tài chính trong những lúc này.

Để tránh rơi vào những tình trạng như trên và mất thời gian để khôi phục sự ổn định cho tài chính gia đình, hãy cùng tham khảo các biện pháp kiểm soát ngân quỹ dưới đây để tài chính gia đình được ổn định hơn.

1. Liệt kê và phân loại các khoản chi tiêu

theo dõi thu – chi để đánh giá tình hình tài chính gia đình

Bước này giúp bạn cân đối và dự tính được “ngân sách” cho các nhóm chi tiêu của mình. Bạn hãy nhìn tổng quát việc chi tiêu, sắp xếp các khoản chi đó vào từng nhóm và phân bổ lượng tiền cần cho những nhóm đó theo tỷ lệ phần trăm. Tùy vào nhu cầu chi tiêu của mỗi người mà các nhóm này sẽ khác nhau.

  • Nhóm thường ngày: chi cho những vật dụng hàng ngày như áo quần, ăn uống, vật dụng nhỏ trong gia đình, đi cafe, giải trí, các hóa đơn hàng tháng,...
  • Nhóm dự phòng: chi cho các khoản phát sinh bất ngờ không mong muốn như tiền sửa xe, khám bệnh, làm giấy tờ,...
  • Nhóm tiết kiệm: chi cho các nhu cầu cá nhân trong tương lai hoặc các khoản chi theo thời hạn như tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, tiền để dành cho các khóa học, đi du lịch, tiền mua nhà, trả nợ vay,…
  • Nhóm đầu tư: thực hiện chi cho mục đích kinh doanh sinh lời như tiền vốn kinh doanh, tiền chi cho các quỹ đầu tư...

2. Giới hạn chi tiêu bằng thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng rất thuận tiện và hữu ích khi bạn cần một thứ gì đó quan trọng nhưng không có tiền mặt trong tay. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào thẻ (và sử dụng nó cho tất cả mọi thứ) có thể khiến bạn “trượt dốc” theo những khoản nợ nần. Khi bạn có một khoản ngân sách chi tiêu hàng tháng, hãy sử dụng thẻ tín dụng một cách có tính toán.

Bạn nên đưa ra một giới hạn chi tiêu qua thẻ tín dụng. Trừ khi có việc bất ngờ xảy ra và buộc phải sử dụng nó, bạn mới nên phá vỡ giới hạn đã đặt ra. Giới hạn càng thấp càng tốt, luôn dưới mức bạn đánh giá là ‘khả năng chi trả’ của mình và cố gắng không sử dụng thẻ nếu bạn có thể. Đơn giản là càng tiêu ít bao nhiêu thì bạn càn dễ chi trả hơn bấy nhiêu.

3. Xác định ngân sách cố định

Bước quan trọng nhất để hướng tới một năm tài chính an toàn hơn là tạo cho mình và gia đình một ngân sách và cố gắng để duy trì nguồn ngân sách ấy. Khi bạn đã làm xong bước 1 và có được tất cả các nhóm chi tiêu trong một tháng, đây chính là một khoản tiền cố định bạn không được phân bổ vào nơi nào khác.

Từ đó, bạn có thể quyết định một số tiền hợp lý để chi tiêu cho các nhu cầu khác như giải trí, vật nuôi, mua sắm thêm mỹ phẩm, quần áo… 

4. Tiết kiệm thông minh

Đừng tiết kiệm theo kiểu “tiết kiệm càng nhiều càng tốt” mà hãy đặt mục tiêu tài chính trong bối cảnh cụ thể để biết chính xác bạn cần tiết kiệm bao nhiêu và bao lâu thì đạt được mức tiết kiệm đó. Lời khuyên là xác định mục tiêu càng rõ ràng bao nhiêu thì bạn càng có động lực thực hiện bấy nhiêu, và từ một mục tiêu ban đầu, hãy xây dựng các kế hoạch nhỏ hơn xung quanh nó.

5. Cùng gia đình đặt mục tiêu chung

Hãy chia sẻ các mục tiêu tài chính chung của gia đình với bạn đời của bạn. Điều này sẽ giúp hai bạn gắn kết hơn và có định hướng tài chính rõ ràng cho gia đình mình.

Mở một tài khoản ngân hàng chung có thể là bước đầu tiên giúp bạn trao đổi kế hoạch tài chính với chồng. Hãy cùng bàn bạc và thống nhất những mục trong tài khoản chung này và cách sử dụng nó; cũng như những khoản riêng của hai vợ chồng. Việc này tạo cơ hội cho hai bạn thảo luận và tôn trọng ý kiến của nhau trong khi cả hai vẫn có thể dành tiền cho các mục tiêu, sở thích cá nhân của mình.

6. Liên tục đánh giá tình hình tài chính gia đình

Dù bạn có cảm thấy tình hình tài chính gia đình mình đang ở mức độ nào thì cũng nên thường xuyên phân tích và đưa ra đánh giá cụ thể. Việc này sẽ giúp bạn đảm bảo ngân sách ở mức độ an toàn hay có những điều chỉnh thu chi kịp thời, hợp lý.

Công cụ hữu hiệu giúp bạn đánh giá “sức khỏe tài chính” gia đình chính là nhật ký chi tiêu. Hàng ngày bạn hãy ghi chép chi tiếtnhững khoản chi tiêu vào một cuốn sổ hay sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý chi tiêu. Cuối ngày, cuối tháng bạn cần tổng kết lại con số tổng thu - tổng chi tiêu của gia đình. Những con số thống kê sẽ cho bạn kết quả bất ngờ về thói quen chi tiêu của bản thân và gia đình. Việc đánh giá tài chính này cũng sẽ giúp bạn phân bổ lại tỷ lệ tiền dành cho mỗi nhóm chi tiêu, xác định cho mình và gia đình một ngân sách hợp lý, tiết kiệm hiệu quả để hướng tới mục tiêu chung của gia đình.

Tham khảo từ baognhean.vn