Thực phẩm chức năng có thật sự cải thiện sức khoẻ?

Hơn 20% người Việt đang sử dụng thực phẩm chức năng. Nhưng đây không phải là thuốc chữa bệnh, hãy hiểu rõ cách sử dụng để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Gần đây, ngày càng nhiều các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sự hạn chế của thực phẩm chức năng. Theo bài báo được đăng trên tạp chí JAMA Network của Hiệp hội Y học Hoa Kỳ, thực phẩm chức năng còn được coi là một sản phẩm có phần ‘nghịch lý’, vì lợi ích khá hạn chế so với giá thành đắt đỏ, những vẫn được rất nhiều nguời đón nhận và tiêu thụ mạnh mẽ.

Không biết từ khi nào, khi rất nhiều người thân, bạn bè đều nói với bạn rằng họ sử dụng một loại thực phẩm chức năng nào đó để chữa khỏi bệnh hoặc để giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn. Và nếu bạn phàn nàn vì mình gặp một vấn đề sức khoẻ tương tự, họ chắc chắn sẽ lập tức khuyên bạn sử dụng thực phẩm chức năng mà họ đang sử dụng.

Chắc hẳn bạn đã từng nghe ai đó nói sử dụng melatonin và viên bổ sung magie để có một giấc ngủ tốt hơn; dùng Glucosamine-chodrotin để giảm các cơn đau khớp, uống dầu cá hay vitamin tổng hợp mỗi ngày để bảo vệ não và trái tim.

Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện có khoảng 10.930 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành. Vì chúng ta đều đang bận rộn với công việc và cuộc sống nên nhiều khi không có thời gian tìm hiểu sâu hơn về những nghiên cứu về tác dụng của thực phẩm chức năng. Vì thiếu kiến thức, có thể nhiều người sẽ phải mất một số tiền lớn mà không lại nhận được lợi ích nào từ những viên thuốc đó.

Những loại thực phẩm chức năng nào bạn có thể đang hiểu sai?

1.      Vitamin tổng hợp

Đây là thực phẩm chức năng phổ biến người dùng nhất hiện nay. Một uỷ ban độc lập triệu tập bởi Viện Y tế Quốc Gia Hoa Kỳ, sau nhiều nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Không có đủ bằng chứng để chứng minh những loại viển bổ sung vitamin tổng hợp có tác dụng chống lại bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch,…Bên cạnh đó, Hiệp hội Ung thư, Hiệp hội tim mạch và Dịch vụ Y tế dự phòng Hoa Kỳ đều tuyên bố không tìm thấy bằng chứng nói rằng những thực phẩm chứng năng này có tác dụng ngăn ngừa ung thư hay bệnh tim mạch. Điều quan trọng là người dân nên ăn uống theo một chế độ dinh dưỡng khoa học và tập luyện thường xuyên chứ không phải trông đợi vào những lợi ích đến từ những viên thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, đối với những người có nguy cơ cao vì thiếu hụt vi chất (do chế độ ăn không đa dạng, người đang ốm không ăn uống được) thì những viên vitamin tổng hợp này lại thực sự hữu ích.

Thực phẩm chức năng không vô dụng. Tuy nhiên, nếu bạn là người khoẻ mạnh bình thường, ăn uống đầy đủ và cân bằng thì bạn sẽ không cần sử dụng tới thực phẩm chức năng. Còn nếu bạn thuộc nhóm bị thiếu hụt dinh dưỡng, thì lúc này thực phẩm chức năng mới phát huy tác dụng.

2.      Thực phẩm chức năng bổ sung canxi

Canxi không phải là một hoạt chất khó bổ sung vào bữa ăn hàng ngày: rất nhiều loại thực phẩm như sữa, sữa chua, phó mát, kem,…Ngay cả các loại rau xanh cũng có canxi.

Người sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung canxi thường mong đợi nhiều về lợi ích và quên mất tác dụng phụ của thực phẩm này. Đáng sợ hơn nữa, theo một phân tích năm 2010 từ 15 nghiên cứu, thực phẩm chức năng bổ sung canxi được chỉ ra làm tăng nguy cơ đau tim thêm 30%. Ngoài ra, nó còn có thể gây ra sỏi thận và khiến người sử dụng gặp các vấn đề về tiêu hoá như táo bón.

Vì vậy, viên bổ sung canxi chỉ nên dành cho những người thiếu hụt canxi, người có bệnh loãng xương, người dị ứng với sữa hoặc người già, người phải đối mặt với nguy cơ gãy xương cao. Các chuyên gia đều khuyến cáo chúng ta nên bổ sung canxi một cách tự nhiên thông qua các nguồn thực phẩm.

Thực phẩm giàu canxi để bổ sung vào chế độ ăn, dinh dưỡng hàng ngày

3.      Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D

Bạn có biết rằng cơ thể chúng ta hoàn toàn có khả năng tử sản sinh ra vitamin D khi làn da tiếp xúc với áng sáng mặt trời. Gần đây, có nghiên cứu trên tạp tri British Medical Journal đã chỉ ra rằng với phần lớn mọi người thì việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D sẽ không đem lại lợi ích gì. Sử dụng chúng cũng không gây ra tác hại gì, nhưng việc này có thể khiến bạn tốn tiền vào những sản phẩm không cần thiết và xứng đáng như mình nghĩ. Vậy, đâu là đối tượng cần sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D? Đó là những người có da sẫm mầu, gốc Phi, Nam Á sống ở những vùng cực lạnh giá, hoặc phải làm việc cả ngày trong các toà nhà, hầm mỏ, người già, người nằm liệt, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời…

Kết luận lại rằng, chỉ những người thật sự thiếu hụt vitamin D mới cần phải sử dụng loại thực phẩm chức năng này. Nếu bạn nghĩ mình làm văn phòng thì sẽ thiếu vitamin D thì hoàn toàn sai lầm. Giờ ăn trưa bạn chỉ cần ra ngoài ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút là đã có thể tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết rồi.

4.      Dầu cá

Hiện nay, mọi người thường sử dụng dầu cá với mong muốn ngăn chặn các bệnh về tim và duy trì sự minh mẫn của não bộ. Loại thực phẩm này chứa axit béo Omega-3, đã được chứng minh rất tốt cho sức khoẻ não bộ và ngăn ngừa viêm nhiễm. Đây cũng là yếu tố quan trọng tốt cho tim.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2017 đã cảnh báo về tiệc uống dầu cá làm tăng nguy cơ ung thư tuyền tiền liệt. Các chuyên gia đã cảnh báo những người đàn ông có nguy cơ cao chỉ nên nạp Omega-3 thông qua các thực phẩm hàng ngày, cụ thể là cá béo từ 1-2 bữa/tuần

5.      Viên bổ sung Magie

Magie là một khoáng chất rất quan trọng với chức năng cơ bắp. Những viên thực phẩm chức năng bổ sung Magie cùng vì thế mà ngày càng trở nên phổ biến với mọi người. Tuy nhiên, cũng như những loại thực phẩm chức năng khác, không phải ai cũng là đối tượng cần bổ sung khoáng chất này. Những người mắc bệnh thận, bệnh Crohn và phải uống thuốc ức chế axit là những đối tượng thường bị thiếu hụt magie.

Bạn có thể xét nghiệm máu để biết mình có thiếu hụt magie hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ khuyên và chỉ định bạn bổ sung bằng cách ăn những thực phẩm hàng ngày như rau chân vịt, đậu, ngũ cốc nguyên cám,…

Nghiên cứu chỉ ra viên uống magie không ngăn ngừa được chuột rút ở người bình thường, nó chỉ có một ít tác dụng trên phụ nữ có thai. Ở liều > 250mg, những viên thực phẩm chức năng bổ sung magie có thể gây tiêu chảy. Chúng cũng ảnh hưởng đến việc bạn sử dụng các loại thuốc khác như kháng sinh hoặc thuốc lợi tiểu. Những người mắc bệnh mạn tính phải cẩn thận với magie, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng chúng.

Trước khi dùng thực phẩm chức năng, hay thay đổi chế độ ăn, dinh dưỡng

6.      Viên bổ sung tinh chất củ nghệ

Nghệ là một gia vị truyền thống trong ẩm thực Châu Á. Một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hoá và thậm chí chống lại ung thư. Tuy nhiên, theo Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ, hiện có quá ít nghiên cứu trên người để có thể xác nhận những lợi ích từ củ nghệ. Đừng vội tin vào những tác dụng ‘thần kỳ’ của thực phẩm chức năng mà chưa được khoa học khẳng định.

Ngoài những loại thực phẩm chức năng kể trên, còn rất nhiều ví dụ khác không thật sự có nhiều lợi ích như được quảng cáo, thậm chí còn gây hại cho người dùng.

Riêng 8 tháng đầu năm 2018, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xử phạt 70 cơ sở vi phạm hành chính trong việc quảng cáo, công bố thực phẩm chức năng, số tiền phạt hơn 4,3 tỷ đồng trong đó tiền phạt vi phạm quảng cáo là hơn 2.5 tỷ đồng.

Còn về tác dụng của thực phẩm, hiện vẫn đang có rất nhiều nghiên cứu để chứng minh vai trò của các sản phẩm thực phẩm chức năng. Ví dụ như Glucosamin-chondroitin thì vẫn được mọi người tin dùng để làm giảm viêm đau khớp. Nhưng những thử nghiệm lâm sàng lớn đều cho thấy loại glucosamine thường được sử dụng trong các loại thực phẩm chức năng (Glucosamin HCl) chẳng có tác dụng gì cả. Tuy nhiên Glucosamin Sulfate thì lại mang lại một số hiệu quả điều trị nhất định. Do đó cần phải xem xét kỹ bản chất hóa học của các loại thực phẩm chức năng trước khi quyết định lựa chọn.

Vì vậy, trong khi chờ kết quả chứng minh khoa học, bạn đừng vội tin vào những lời quảng cáo của thực phẩm chức năng, hay lời khuyên của bạn bè. Hãy luôn tìm đến lời khuyên của bác sỹ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng, và trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung các chất bạn cần trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Theo GenK/ Nytimes, JAMA, Harvard