Chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ béo phì

Nắm vững kiến thức về dinh dưỡng để cải thiện sức khoẻ và giảm cân cho trẻ

Thừa cân và béo phì luôn là nỗi lo thường trực của cha mẹ đối với sức khoẻ của trẻ em. Đây là các nguyên nhân đầu tiên dẫn tới những căn bệnh nặng hơn ở trẻ như đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, cao huyết áp và thậm chí là ung thư.

 

Đây chính là nhận định chung của các chuyên gia y tế và dinh dưỡng học trên toàn thế giới. Theo một số nghiên cứu về bệnh dịch học, có tới 30% trẻ em có nguy cơ mắc chứng béo phì khi trưởng thành nếu tiếp tục sử dụng chế độ dinh dưỡng như hiện nay. Đó là một con số đáng báo động với các bậc cha mẹ chúng ta. Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy tìm hiểu kỹ lưỡng và thiết lập một chế độ ăn uống tập luyện hợp lý để giúp trẻ có một tương lai phát triển thuận lợi nhất.

Những lưu ý khi thiết lập chế độ ăn uống cho trẻ béo phì

Các tiêu chí cơ bản nhất của một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ béo phì là cân đối, hợp lý và đa dạng. Hãy tăng thêm lượng cá, rau và hải sản trong các bữa ăn cũng như giảm tối đa các loại thức ăn giàu đường và chất béo, đặc biệt là dầu mỡ. Ngoài ra bạn có thể cho trẻ ăn các loại ngũ cốc thô có chứa glucid tổng hợp.

Các cha mẹ cần hạn chế tuyệt đối bữa ăn sau 20h và giúp trẻ ăn uống đúng bữa với tiêu chuẩn: sáng nhiều, trưa vừa, tối ít. Một gợi ý nhỏ là bạn nên cho trẻ uống các loại sữa tươi không đường có giàu canxi. Trái cây tươi có múi và nước ép trái cây cũng là những lựa chọn dinh dưỡng tốt cho trẻ với hàm lượng vitamin C cao.

Kiểm soát nghiêm ngặt thức ăn của trẻ vào mùa lễ khi có nhiều cỗ bàn với hàng loạt đồ nhiều dầu mỡ. Lưu ý tuyệt đối không cho trẻ ăn các loại phủ tạng động vật, da động vật và các loại đồ ăn vặt lề đường.

Hãy động viên trẻ vận động và tham gia cùng trẻ để tạo hứng thú

Với chỉ 30-60 phút vận động mỗi ngày, bạn đã giúp trẻ cải thiện đáng kể tình trạng sức khoẻ của mình. Các hoạt động đơn giản như đi bộ hoặc chạy bộ là vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào sở thích của trẻ, bạn có thể cho các con chơi các bộ môn thể thao quen thuộc như bóng đá, bóng rổ, đạp xe, bơi lội. Hãy dành thời gian tham gia cùng trẻ để giúp trẻ có thêm động lực vận động. Không những vậy, các hoạt động đơn giản như làm việc nhà, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ đạc trong phòng vừa giúp bé có thể chất tốt, vừa tạo thói quen tự lập cho bé với các kỹ năng sống cần thiết.

Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các môn thể thao ưa thích để giúp trẻ cải thiện vóc dáng

Hãy hạn chế ngay thời gian ngồi trước màn hình của trẻ xuống dưới 2 tiếng mỗi ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo rằng các thiết bị điện tử khiến trẻ bị ì trệ và lười giao tiếp xã hội khi tiếp xúc quá lâu. Ngoài ra, bạn cũng luôn cần theo dõi thể trạng của trẻ thông qua cân đo, khám sức khoẻ định kỳ để nắm rõ các thay đổi ở cơ thể của trẻ cũng như đưa ra các kế hoạch dinh dưỡng phù hợp trong tương lai.

Theo Sưckhoedoisong.vn