5 lưu ý để bảo vệ sức khoẻ khi bơi lội bố mẹ cần nhắc trẻ

Kinh nghiệm đảm bảo an toàn khi bơi lội cho trẻ

Cẩn thận không bao giờ là thừa. Đặc biệt nếu con bạn đang theo một khóa tập bơi hay có niềm đam mê đối với môn thể thao này thì việc nhắc nhở thường xuyên những “thủ tục an toàn” trước và sau khi xuống nước là vô cùng quan trọng.

Những ngày hè nóng cháy da cháy thịt quả là thời điểm thích hợp để cởi đồ và hòa mình xuống dòng nước lạnh mát ở bể bơi. Khoảng thời gian này nhiều gia đình cũng đang bắt đầu lên kế hoạch đi chơi xa, nghỉ ngơi và tắm mát tại một bãi biển nào đó. Nhu cầu bơi lội và vui chơi tại những nơi gần nguồn nước để quên đi cái nắng nóng cũng khiến việc tuân thủ những nguyên tắc an toàn khi bơi lội quan trọng hơn bao giờ hết.

Dù là bể bơi nông, đông người hay tại một bãi biển luôn có cứu hộ túc trực thì sự tự chuẩn bị an toàn cho bản thân luôn là quan trọng nhất. Các bố mẹ hãy cùng điểm qua những kinh nghiệm bơi lội an toàn dưới đây để nhắc nhở con cái trong buổi đi bơi sắp tới nhé!

 

1. Đề phòng chuột rút

Để đề phòng chuột rút, khi đi bơi hoặc đi biển, điều quan trọng cần phải tuân thủ là vận động và tập một số động tác cơ bản trước khi xuống nước. Nếu không khởi động mà chạy xuống nước ngay, các cơ trong cơ thể chưa kịp thích ứng nên có thể dẫn đến chuột rút.

Những động tác khởi động đơn giản như xoay cổ tay, cổ chân, xoay khớp cổ, tập chạy tại chỗ hoặc tập chạy cự ly ngắn nhẹ nhàng. Không nên tập gắng sức, tập quá nặng sẽ ảnh hưởng sức khỏe khi bơi lội. Khởi động trong vòng 10-15 phút là đủ.

Không chỉ có khi chuẩn bị xuống nước mà ngay cả khi lên bờ, bạn cũng cần phải chú ý để tránh chuột rút. Bạn cần quàng khăn giữ ấm cơ thể, chọn nghỉ ngơi nơi kín gió, nằm nghỉ trong vòng 10 phút. Sau đó cần tắm lại với nước ấm vừa tráng cơ thể và giúp cơ thể ấm lại sau khi tắm dưới nước biển hoặc bể bơi.

2. Lưu ý trước và sau xuống nước

  • Khởi động và nên tắm tráng trước khi xuống nước để cơ thể kịp thích nghi, không xuống nước ngay khi mới hoạt động ở ngoài nắng, tránh bị sốc nhiệt. Không ăn no và uống các chất có cồn trước khi xuống nước.
  • Thời gian xuống nước: nên bơi, tắm biển vào buổi sáng và sau 4 giờ chiều. Tuyệt đối tránh tắm vào giữa trưa, đầu chiều là khoảng thời gian nắng gắt, dễ bị cảm nắng, đột quỵ gây nguy hiểm cho tính mạng.
  • Không ngâm mình dưới nước quá lâu, thường chỉ nên ở 30-60 phút tùy theo thể lực.

3. Bơi ở vùng an toàn

Thông thường, tại các bể bơi Hà Nội luôn có những cảnh báo, báo hiệu khu vực an toàn và nguy hiểm. Vì thế, trước khi xuống tắm, hãy chú ý, tránh xa khu vực nguy hiểm, đừng vì thể hiện bản thân mà đặt mình vào tình huống ‘thót tim’. Ở các hồ bơi có độ sâu tăng dần, mọi người cũng lưu ý đừng bơi quá xa nếu như khả năng bơi của mình nhé!

4. Trang bị đầy đủ những phụ kiện cần thiết

Trẻ có thể bám vào phao những lúc bị đuối sức

Ví như bạn chưa biết bơi thì sẽ cần thêm phao bơi. Cùng với đó là kính bơi, bịt tai và bịt mũi nữa nếu cần. Với những ai chưa quen thì việc làm quen với môi trường dưới nước sẽ khá khó khăn. Đặc biệt với trẻ nhỏ, tuyệt đối phải dùng phao bơi và bơi ở độ sâu cho phép để bố mẹ có thể kiểm soát dễ dàng nhất.

5. Tắm tráng lại cơ thể thật sạch

Vì nước bể bơi không sạch chút nào nên bạn hãy tắm tráng ngay sau khi lên bờ để loại bỏ đi hết chất bẩn cũng như hóa chất trên da. Sở dĩ có hóa chất vì để làm sạch và khử trùng bể bơi, người ta phải sử dụng hóa chất bể bơi chuyên dụng. 

Nếu làn da của bạn quá mẫn cảm, da sẽ rất dễ dàng bị dị ứng như mẩn đỏ, ngứa ngáy ngay sau khi đi bơi về. Do đó mà việc tắm tráng cơ thể ngay sau khi đi bơi vô cùng quan trọng.

Trên đây là những lưu ý cơ bản để đảm bảo an toàn cho mọi người khi có nhu cầu bơi lội ngày hè. Chúc các bạn có một mùa hè 2018 thật vui và bổ ích.

Tham khảo từ Zalogym