Chinh phục bộ môn thể thao mạo hiểm leo núi trong nhà

Cùng tìm hiểu xem môn thể thao mạo hiểm trong nhà này ra sao nhé.

Leo núi là một môn thể thao dành cho những ai đam mê mạo hiểm . Giờ đây bất cứ ai cũng có cơ hội trải nghiệm cảm đó nhưng vô cùng an toàn với bộ môn leo núi trong nhà với những hướng dẫn chi tiết từ các huấn luyện viên chuyên sâu.

Ở những nước phương Tây và một số nước châu Á hiện nay, leo núi trong nhà là môn thể thao được ưa thích của những người đam mê cảm giác mạnh. Một vài năm trở lại đây, bộ môn thể thao này đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ Việt đón tiếp nhiệt tình. Liêu leo núi trong nhà có thực sự khó và nguy hiểm hay không? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra vài lời khuyên bổ ích sẽ là tài liệu quý giá cho bất cứ ai có dự định chinh phục môn thể thao này.

Leo núi trong nhà: Mạo hiểm nhưng an toàn

Muốn chinh phục một ngọn núi tự nhiên, bạn phải chuẩn bị rất nhiều dụng cụ bảo hộ cần thiết như: Giày leo núi chuyên dụng, dây thừng dài trên dưới 150m và phải đảm bảo không bị rối hoặc thắt nút, móc khóa an toàn, móc leo, cuốc leo núi, thắt lưng chuyên dụng… chưa kể đến những bất trắc và tai nạn không thể đoán trước được. Còn với bộ môn leo núi trong nhà, bạn chỉ cần chuẩn bị một đôi giày leo núi chuyên dụng là có thể thử sức ngay.

Với mô hình leo núi trong nhà, các ván gỗ lớn thường được dùng để làm cấu tạo nên vách núi với nhiều địa hình khác nhau: dựng đứng, gồ ghề hoặc nằm song song với mặt đất. Các mấu đá với 5 màu sắc khác nhau gồm: vàng, da cam, xanh lá cây, xanh da trời và tím được sắp xếp ngẫu nhiên trên các vách. Màu sắc và kích cỡ riêng biệt của chúng có tác dụng để người chơi phân biệt các vị trí đặt tay, chân và dự đoán mức độ khó của địa hình. Mỗi lần leo, người leo chỉ được đặt chân lên một màu duy nhất. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết của các huấn luyện viên nếu bạn muốn thử sức.

Nguyên tắc số 1: Khởi động làm nóng cơ thể

Bước khởi động trước khi tham gia bất kỳ một bộ môn thể thao nào là điều cực kỳ quan trọng không được bỏ qua. Việc khởi động sẽ giúp cơ bắp thích nghi dần với vận động tăng dần, khớp xương được luyện tập chuẩn bị cũng như giúp nhịp tim nâng lên để thích nghi dần với các độ cao.

Làm nóng cơ thể trước khi vận động là điều tối quan trọng

Nguyên tắc 2: Thiết lập sơ đồ

Trước khi thực hiện những bước đầu tiên chinh phục vách núi, người chơi cần đứng quan sát các điểm mấu đá, lên kế hoạch và lộ trình để thực hiện thành công hành trình. Bằng việc quan sát và theo hướng dẫn của HLV, người chơi sẽ xác định được độ dễ - khó của từng mỏm đá cũng như lời khuyên nên vượt qua chúng như thê nào.

Nguyên tắc 3: Hãy thật thư giãn

Tự tin là điều bạn cần phải có để có thể vượt qua không chỉ vách đá dựng đứng trong phòng chơi mà còn bất kỳ thử thách nào trong cuộc sống. Không nên quá lo lắng vì điều này sẽ làm bạn mất đi sự tập trung. Ghi nhớ rằng phải giữ tinh thần thật thoải mái thư giãn để sự tỉnh táo cần thiết.

Nguyên tắc 4: Giữ cơ thể sát tường

Việc bám sát người vào tường sẽ giúp người leo núi tạo đà tiến rất tốt. Lời khuyên được đưa ra là ngay sau khi nghiêng người ra xa tường một khoảng để quan sát hướng đi tiếp theo, bạn phải lưu ý trở lại tư thế bám sát tường.

Nguyên tắc 5: Tập trung vào đôi chân

Điểu quan trọng trong môn thể thao leo núi đó là đôi chân của bạn có nhiệm vụ trụ đỡ cho cơ thể và giữ thăng bằng. Ngay từ những mỏm đá đầu tiên, người chơi phải tập trung kiểm soát độ thăng bằng của đôi chân. Việc buông thõng chân rơi vào trạng thái không điểm tựa và mất tư thế sẽ cản trở quá trình leo núi và đặc biệt gây nguy hiểm cho người leo. Nếu không có sự tập trung giữ thăng bằng ở hai chân, trọng lượng cơ thể và thăng bằng sẽ dồn vào hai cánh tay, điều này dễ khiến bạn bị mỏi và hành trình trở nên khó khăn gấp bội.

Nguyên tắc 6: Tận dụng kỹ thuật

Khi đã bắt đầu leo núi, người chơi cần phải kết hợp linh hoạt hai tay và hai chân theo nguyên tắc: Chân và tay chỉ di chuyển khi trọng lượng cơ thể hoàn toàn cân bằng. Ngoài ra, di chuyển cả chân và tay cùng thời điểm có thể làm tăng trọng lượng cơ thể đột ngột, gây mất thăng bằng và vô cùng nguy hiểm. Khi di chuyển cánh tay hoặc chân, bạn nên giữ cơ thể bất động cho đến khi bám chắc chắn rồi mới dịch chuyển cơ thể.

Nguyên tắc 7: Nghỉ giữa nhịp

Sau khi leo được một quãng khoảng 3-4 mét, bạn nên quan sát và tiến tới một vị trí bám chắc chắn để nghỉ ngơi. Sau khi đã tiêu tốn khá nhiều năng lượng cho một quãng leo, việc nghỉ ngơi để nạp năng lượng và lấy lại sự tỉnh táo là điều tối quan trọng.

Bạn đã sẵn sàng để chinh phục thử thách chưa?

Theo Elle Man