Bí quyết tập luyện cho người bị gút

Tìm hiểu kỹ các bài tập phù hợp giúp cải thiện sức khoẻ cho người bị bệnh gút

Các triệu chứng điển hình của bệnh gút luôn khiến chúng ta khó khăn trong việc tập luyện để cải thiện sức khoẻ. Mặc dù vậy, đây vẫn là căn bệnh có thể đẩy lùi được với các bài tập đơn giản.

Bệnh gút ngày càng trở nên phổ biến ở độ tuổi trung niên tại Việt Nam. Đây là một căn bệnh đem lại nhiều ảnh hướng trực tiếp tới hệ thống cơ bắp và xương. Để có thể tập luyện và cải thiện sức khoẻ khi mắc phải căn bệnh này, bạn cần nghiên cứu kỹ và áp dụng các bài tập phù hợp riêng biệt để tránh các chấn thương và tổn hại không đáng có. Nguyên nhân chính dẫn đau đớn khi mắc phải bệnh này là do cơ thể đã tích tụ quá nhiều axit uric khi hệ bài tiết không hoạt động tốt. Các biểu hiện điển hình của bệnh gút là sưng viêm nhức đầu gối, khuỷu tay, cổ tay, gót chân, các ngón chân và tay.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, việc tập thể dục có thể đem lại lợi ích đẩy lùi sự phát triển bệnh gút. Nhưng người tập luôn cần đề phòng các nguy cơ sưng và viêm cơ khi luyện tập không phù hợp. Với các ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia ý tế thể giới, dưới đây là các bài tập tốt nhất và phù hợp nhất cho người mắc bệnh gút:

Cardio và Aerobic nhẹ

Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tác hại của bệnh Gút là do dư thừa và tích tụ Axit Uric trong cơ thể. Do đó, người bệnh cần áp dụng các bài tập giúp tim mạch tăng cường khả năng sử dụng oxy và cải thiện chức năng của phổi. Từ đó việc chuyển hoá axit sẽ được thúc đẩy mạnh hơn cũng như sức mạnh cơ bắp sẽ dần được cải thiện. Các bài tập Aerobic với cường độ nhẹ và tần suất 30 phút mỗi ngày sẽ rất phù hợp, ví dụ như đi bộ và nhảy fitness hay leo cầu thang ngắn. Hãy bắt đầu từ từ với cường độ nhẹ (khoảng 5-10 phút mỗi lần tập) rồi tăng dần cường độ để cơ thể có thể thích nghi.

Các bài tập Cardio nhẹ có lợi ích lớn trong việc cải thiện sức khoẻ bệnh nhân Gút

Tự áp dụng các bài tập giãn cơ

  1. Bài tập giãn cơ lưng và đùi sau: Duỗi thẳng 2 chân trong tư thế ngồi bệt, vươn người ra phía trước để chạm tay và ngón chân. Hai tay hướng thẳng theo đầu. Giữ 15 giây. Thực hiện 3 lần
  2. Bài tập giãn cơ vai: Tư thế ngồi bệt, 2 tay luôn giữ sát người. Cuộn người về phía trước và giữ 30 giây. Sau đó cuộn người về phía sau và giữa 30 giây
  3. Bài tập cổ tay: Nắm 2 bàn tay và xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Thực hiện trong vòng 2 phút mỗi lần.

Bơi lội

Bơi và aerobic dưới nước là một cách tuyệt vời để tăng cường các chức năng của cơ, bởi khi bạn di chuyển trong nước, các cơ của bạn sẽ phải chịu ít lực hơn. Bắt đầu từ từ và dần dần tăng thời gian đi bơi. Hãy nhớ rằng tốc độ và khoảng cách không quan trọng bằng tổng thời gian dành để bơi. Bắt đầu với 2 ngày một tuần, mỗi lần ít nhất 15 phút. Mục tiêu của giai đoạn này là bơi 30-45 phút một tuần.

Theo Thu Hiền - VnExpress