Để có món ăn ngon mà không cần nhiều muối

Trong mọi bữa ăn quen thuộc của người Việt, muối dường như là một gia vị không thể thiếu để tạo vị đậm đà cho món ăn. Tuy nhiên, đây cũng là một loại gia vị gây ra các bệnh không lây nhiễm khi sự dụng quá nhiều. những chia sẻ từ Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dương Quốc gia – sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về ảnh hưởng của gia vị này cũng như lời khuyên cho chế độ ăn hàng ngày.

Muối là gia vị được khám phá đầu tiên trong lịch sử loài người với rất nhiều công dụng như làm tăng vị mặn của thực phẩm, bảo quản thực phẩm, ức chế phát triển vi khuẩn hay thậm chí được áp dụng trong khám chữa bệnh. Mặc dù vậy, đây lại là gia vị gắn liến với các loại bệnh không truyền nhiễm như huyết áp cao, tiểu đường, ung thư,.. khi sử dụng với hàm lượng quá cao trong thời gian dài.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, lượng muối tiêu thụ chuẩn của mỗi người là 5 gram/ngày. Mặc dù vậy, theo nhiều nghiên cứu gần đây về dinh dưỡng cho người Việt, chúng ta đang sử dụng gấp 3-4 lần định mức này. Trong bữa ăn của chúng ta, lượng Natri trong muối được thêm vào chủ yếu là từ gia vị chứ không phải các thực phẩm được chế biến sẵn.

Đó chính là lý do vì sao chúng ta cần biết cách để giữ chế độ ăn hàng ngày đủ dinh dưỡng mà không sử dụng quá nhiều muối. Cụ thể là việc duy trì hương vị của món ăn bằng các gia vị thay thế cho muối vừa để giữ cảm giác ngon miệng mà vẫn đảm bảo sức khoẻ. Bạn có thể sử dụng các loại thảo mộc để thay đổi hương vị hoặc chanh để làm giảm vị mặn của thức ăn hàng ngày.

Các loại thảo mộc sẽ giúp duy trì cảm giác thơm ngon của thực phẩm và thay thế vị mặn quen thuộc của muối

Vị giác của con người có khả năng thích ứng nhanh chỉ sau 1-2 tuần nên việc thay đổi cách chế biến dần dần sẽ giúp bạn quen với những loại gia vị mới thay vì ăn quá mặn. Ngoài ra, bạn cũng nên có thói quen nếm vị thức ăn khi chế biến trước khi cho thêm gia vị để đảm bảo hàm lượng vừa đủ với khẩu vị cá nhân.

Tùy món ăn ta nên cho muối trước hay sau khi nấu. Muối tăng vị mặn, tăng cường vị ngọt và ức chế vị đắng. Khi nấu các món thịt, muốn để cho thịt có vị ngọt tự nhiên, bạn nên cho muối vào trước. Ngược lại, khi nấu canh, cần vị ngọt từ xương, nên nấu một lúc cho nước canh ngọt mới nêm muối.

Một cách áp dụng khác chính là việc giữ nguyên mùi vị quen thuộc bằng các gia vị chưa ít hàm lượng muối hơn như bột canh, hạt nêm, xì dầu và nước mắm. Cụ thể 5 gram muối sẽ tương ứng với 8 gram bột canh/ 11 gram hạt nêm/ 35 gram xì dầu/ 25gram nước mắm.

Bên cạnh đó, bữa ăn của người Việt rất quen thuộc với các thực phẩm có hàm lượng muối cao như dưa cà muối, củ kiệu, hành muối. Đây là những món ăn kèm với các thực phẩm nhiều đạm và chất béo để tránh cảm giác ngán. Nếu tự chế biến tại nhà, bạn cần giảm lượng muối khi tẩm ướp hoặc nếu mua ngoài hàng quán, bạn cần tránh ăn một lượng lớn trong cùng một bữa ăn.

Củ kiệu muối, dưa hành muối luôn là món ăn kèm ưa thích của người Việt nhưng cũng thường chứa hàm lượng muối cao

Để có một chế độ ăn hợp lý và đảm bảo sức khoẻ hơn, bạn cũng cần nghiên cứu các bảng thành phần thực phẩm của người Việt qua thông tin từ Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia. Từ đó, bạn có thể tính toán được hàm lượng muối mà mình sử dụng trong một bữa ăn hàng ngày sao cho phù hợp với khuyến cáo về thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới.

 

Theo Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dưỡng Quốc gia