Những thói quen cần rèn luyện để giải quyết các vấn đề tốt hơn

Bí kíp thành công từ những thói quen cơ bản nhất

Giải quyết vấn đề (Problem solving) là một kỹ năng rất cần thiết trong học tập, làm việc và mọi thứ khác xoay quanh cuộc sống của bạn. Trong công việc hằng ngày, khi có một vấn đề nào đó xảy ra, ta thường phân vân không biết giải quyết theo hướng nào.

Dưới đây là vài lời chia sẻ đê giúp các bạn có kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn:

Suy nghĩ cẩn thận về nguồn gốc vấn đề

Thường khi gặp một vấn đề phát sinh ngoài dự tính, chúng ta sẽ có xu hướng mất bình tĩnh và muốn giải quyết vấn đề đấy thật nhanh. Nhưng xử lý nhanh mà không đúng cách thì chỉ làm cho mọi việc rối thêm rối. Một vết thương cỏn con nếu không được xử lý đúng cách thì cũng sẽ bị nhiễm trùng và gây đe dọa đến tính mạng của bạn. Hãy giữ cho tâm trí thật bình tĩnh, tạm thời bỏ qua những yếu tố xung quanh và tập trung xác định nguồn gốc thật sự của vấn đề. Để hiểu rõ vấn đề đang gặp phải, hãy đặt ra những câu hỏi xung quanh nó và tự trả lời chúng ra giấy nếu có thể. Ví dụ như : Vấn đề xuất phát từ đâu? Liệu nó có phải là một vấn đề hay nhiều vấn đề đan xen?… Khi thực sự hiểu rõ vấn đề, bạn sẽ rất nhanh có được giải pháp hiệu quả và phù hợp với tình thế nhất.

Giữ cho mình cái nhìn “trung dung” với vấn đề

Một người đứng từ bên ngoài nhìn bao quát sẽ luôn sáng tỏ hơn người bên trong. Đừng để đầu óc nặng nề chuyện vấn đề bạn phải vượt qua khó nhằn như thế nào mà nên gạt bỏ sự ảnh hưởng của nó đến cảm xúc của bạn và nhìn với một thái độ khách quan. Hãy suy nghĩ đơn giản rằng có điều gì chưa ổn hay có điều gì trục trặc trong khâu vận hành nào đó và mình sẽ làm gì đó để nó tốt hơn. Tiếp theo, bạn hãy quan sát xung quanh vấn đề một cách tỉ mỉ, lắng nghe thêm ý kiến đa chiều, đa góc độ của những người xung quanh rồi tổng hợp lại thông tin và đưa ra giải pháp một cách gọn ghẽ.

Hình thành cho mình giải pháp hợp lý

Lựa chọn cách giải quyết cũng vô cùng quan trọng

Sau khi tư duy được các nhẽ của vấn đề, bạn sẽ hình thành trong đầu nhiều giải pháp cho vấn đề đang gặp phải. Thông thường sẽ có hai chiến lược cụ thể để hình thành giải pháp:

  • Phân tách và xử lý : Nếu vấn đề của bạn là một mớ phức tạp, hãy tách vấn đề ra thành từng vấn đề con và nghĩ phương pháp giải quyết cho từng cái.
  • Tìm điểm tương quan tương đồng : Tư duy sự tương quan và giống nhau giữa vấn đề đang gặp phải với một vấn đề ngoài cuộc sống hay một vấn đề đã từng xảy ra với bạn. Đôi khi bạn có thể cóp nhặt một phần hay áp dụng lại phương thức giải quyết vấn đề kia cho vấn đề của bạn.

Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng , một giải pháp được cho là tối ưu thì cần phải đáp ứng đủ ba yếu tố: có thể khắc phục giải quyết vấn đề dài lâu, có tính hiệu quả càng nhanh càng tốt và phải đáp ứng được tính khả thi với tình hình thực tế.

Theo Dân Trí