Bạn đã biết phải lên kế hoạch tài chính như thế nào trước khi kết hôn?

Tìm hiểu ngay kế hoạch tài chính phù hợp trước khi tiến tới hôn nhân.

Rõ ràng, quản lý tài chính luôn là vấn đề quan trọng ảnh hướng tới hạnh phúc hôn nhân của mọi gia đình. Việc lập kế hoạch tài chính sẽ là thước đo đánh giá trước tiên khả năng quản lý tài chính của bạn trước khi kết hôn tới khi có trách nhiệm chung với tài chính gia đình trong hôn nhân.

Quản lý tài chính ngay từ khi còn độc thân

Đây là một khái niệm quen thuộc với xã hội hiện đại. Thế nhưng, đang có rất nhiều người trẻ không nắm rõ về phương cách áp dụng vấn đề này. Thậm chí, họ còn không quan tâm đến vấn đề quản lý tài chính khi quá chú trọng đến mua sắm và chi tiêu để thoả mãn nhu cầu ngắn hạn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của họ cũng như tương lai hôn nhân mà họ hướng tới. Dưới đây sẽ là 3 yếu tố chính quyết định sự thành công trong việc quản lý tài chính mà chúng ta cần nắm rõ.

Hãy luôn biết cách “cân đo đong đếm” trong việc chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm

1.      Lập kế hoạch tài chính tiền hôn nhân

Đây là giai đoạn hợp lý để rèn luyện khả năng quản lý thu chi cá nhân. Ở thời điểm này, chúng ta cần tận dụng ưu thế về kinh tế của cuộc sống độc thân khi chưa phải chi trả nhiều khoản tiền lớn cho gia đình. Mặc dù thu nhập ở giai đoạn này thường không cao, chúng ta vẫn có thể gửi tiết kiệm một phần nhỏ trong thu nhập cá nhân để tận dụng lãi suất ổn định của ngân hàng. Nếu ưa thích đầu tư, bạn có thể nghiên cứu các lĩnh vực ít rủi ro như bảo hiểm nhân thọ với lãi suất tuy thấp nhưng có tính đảm bảo cao. Ngoài ra, các khoản đầu tư kinh doanh có rủi ro cao hơn nhưng có thể có nhiều lợi ích hơn. Nếu lựa chọn con đường này, bạn cần am hiểu sâu hơn về kinh tế và khả năng quản lý kinh doanh của bản thân.

2.      Thiết lập kế hoạch chi tiêu hợp lý

Hãy thiết lập cho mình một tâm lý chi tiêu lành mạnh, không lãng phí, không chạy đua theo số đông. Bạn có thể phân chia tài chính của mình thành 3 khoản riêng biệt: tiết kiệm, đầu tư và chi tiêu. Khoản tài chính tiết kiệm sẽ là bước đệm cho bạn trong tương lai dài hạn. Đầu tư giúp bạn am hiểu về tài chính cũng như có thể tích luỹ thêm các khoản thu nhập đột biến. Khoản chi tiêu còn lại cần được tính toán kỹ lưỡng cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, tránh việc chi tiêu quá lạm dụng

3.      Tìm kiếm phương án quản lý tải chính phù hợp

  • Gửi tiết kiệm ngân hàng khoảng 30% thu nhập cá nhân
  • Dành 10% thu nhập để đầu tư cho học tập
  • Dành 5% thu nhập để tích luỹ cho bảo hiểm nhân thọ. Bạn cần am hiểu hơn về hình thức quản lý tài chính này.

Tính toán tài chính kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định hôn nhân

Rõ ràng, việc kết hôn sẽ luôn kéo theo những con số chi tiêu tốn kém. Bạn cần nắm rõ các công đoạn chuẩn bị, thực hiện và kết thúc khi tổ chức đính hôn và lễ cưới. Các chi phi nổi bật sẽ bao gồm trang trí, tiệc cưới, ảnh cưới, quà cưới và các phụ phí đi kèm. Nếu là một người chưa có tài chính dư giả, bạn có thể tham khảo các gói tổ chức đám cưới có nhiều khuyến mãi. Hãy tham khảo ý kiến từ bạn bè và loại bỏ bớt các công đoạn rườm rà và tốn kém không cần thiết. Ví dụ thay vì đi du lịch để chụp ảnh cưới với chi phí di chuyển cao, bạn có thể lựa chọn chụp tại studio hoặc các phim trường gần nhất. Việc này giúp bạn tránh được việc tốn thời gian, sức khoẻ và kinh tế khi khả năng tài chính chưa quá tốt. Ngoài ra, để có một cái nhìn khái quát về chi tiêu, bạn cần lập ra danh sách những việc cần phải chi trả trong đám cưới. Lúc này, bạn cần lắng nghe ý kiến từ người lớn tuổi hoặc những người có kinh nghiệm. Hãy nhớ rằng, bạn cần cố gắng xây dựng hạnh phúc của mình dựa trên một nền tảng tài chính ổn định. Chỉ như vậy mới có thể giúp bạn và gia đình nhỏ của mình có cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ghi chép và tính toán hàng tuần hoặc hàng tháng sẽ giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn

Lời khuyên từ chuyên gia

  • Hãy luôn nắm rõ tình hình tài chính của gia đình thông qua ghi chép và tính toán theo tuần, tháng, quý, năm
  • Luôn có kế hoạch cho tương lai của gia đình với các khoản chi tiêu và đầu tư (chuyện ăn học của con cái, mua sắm đồ đạc, sửa nhà, mua nhà…)
  • Tập trung tài chính gia đình, tránh sở hữu các quỹ bí mật.
  • Tôn trọng và lắng nghe quan điểm về quản lý tài chính của bạn đời để tránh mâu thuẫn không đáng có.
  • Chú ý tăng cường tiết kiệm với các khoản tích luỹ ít rủi ro như gửi ngân hàng hoặc bảo hiểm nhân thọ.

Theo Báo Người Đồng Hành (ndh.vn)